Thông tin liên hệ
- 0867430431
- hosotuyensinhcdqn@gmail.com
- Fanpage: https://facebook.com/caodangqn/
Sáng 16/9, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025" và biểu dương mô hình xây dựng văn hóa ứng xử tiêu biểu năm 2021.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (GNNN) cho hay, việc thực hiện đề án trong giai đoạn 2019-2020 đã đạt được một số kết quả tích cực như có 95% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng (vượt chỉ tiêu); Có 93,5% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, đoàn thanh niên trong các cơ sở GDNN được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử (vượt chỉ tiêu); đạt chỉ tiêu 90% cơ sở GDNN trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường.
"Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở GDNN đã được triển khai thực hiện sâu rộng đến nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên với nhiều hình thức đa dạng và phong phú", ông Khánh đánh giá.
Mặc dù vậy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế, như: một số hoạt động ngoại khóa vẫn còn mang tính hình thức, phong trào, thời điểm, không thường xuyên, liên tục. Sở LĐ-TB&XH một số tỉnh, thành phố, một số các cơ sở giáo dục còn chưa chủ động ban hành kế hoạch triển khai đến các cơ sở GDNN và chưa có báo cáo sơ kết kết quả triển khai thực hiện Đề án.
Chia sẻ từ thực tiễn, ông Trần Bá Uẩn, Quyền Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên nhìn nhận, văn hoá ứng xử là sự giao tiếp, đây là một trong những yếu tố để đánh giá trình độ tri thức của mỗi con người, mỗi quốc gia. Do vậy, ở các cơ sở GDNN, ngoài kỹ năng nghề nghiệp thì giáo dục đạo đức rất quan trọng.
Với đặc thù của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên có tới 90% học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, ông Uẩn cho biết, nhà trường đã lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với văn hoá bản địa của địa phương.
Theo đó, Trường đã xây dựng mô hình "nhà trường xanh - ứng xử đẹp", góp phần nâng cao chất lượng GNNN. Kết hợp văn hoá ứng xử nhà trường xanh, ứng xử đẹp để thúc đẩy tư duy sáng tạo, tự tin cho người dạy, người học. Đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên phát động phong trào xây dựng mô hình, tổ chức giờ học ngoại khoá về các kỹ năng ứng xử.
Ông Uẩn chũng cho biết, nhà trường còn tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để cung cấp định hướng về hướng nghiệp, cũng như hoạt động giải trí lành mạnh. "Kết hợp chặt chẽ mối quan hệ giữa nhà trường và học sinh là điều kiện để phát triển nhân lực quốc gia, xây dựng đất nước phát triển", Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên chia sẻ.
Còn với Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM, thời gian qua, mô hình "nhà trường văn minh - thân thiện - trách nhiệm" đang được triển khai. Hiệu trưởng Phạm Hữu Lộc chia sẻ, việc nâng cao kỹ năng giao tiếp, truyền thông, kỹ năng mềm được thực hiện thông qua cuộc thi, hoạt động văn thể mỹ. Đặc biệt, tổ chức các cuộc thi khuyến khích sáng tạo cho giảng viên, học sinh trong trường như cuộc thi về thiết bị tự sáng chế...
Kết quả, tỷ lệ sinh viên sau khi ra trường làm đúng ngành đào tạo của Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM đạt tới hơn 95%, có ngành đạt 100%. Thông qua mối quan hệ tương tác giữa nhà trường và học sinh đã đẩy mạnh được hoạt động nghiên cứu khoa học, phong trào thi đua trong giảng dạy và học tập.
"Thông qua mô hình nhà trường văn minh - thân thiện - trách nhiệm đã khẳng định thương hiệu, vị thế của trường, định hướng mục tiêu phát triển của nhà trường. Chính kết quả này giúp cho đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên nhà trường phát huy tốt thế mạnh trên con đường đổi mới, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước", ông Lộc nhấn mạnh.
Thấy rõ hiệu quả ngay từ công tác tuyển sinh
Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Cần Thơ, thời gian qua đã có rất nhiều mô hình về việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Theo đó, cần nhân rộng các mô hình, cách làm hay, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền Đề án, hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trong từng trường, phát động thi đua để phát huy vai trò của văn hoá ứng xử.
Ông Lê Minh Tân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, trên cơ sở quy tắc ứng xử chung trong trường học, Sở chỉ đạo cơ sở GDNN xây dựng riêng bộ quy tắc cho đơn vị mình. 100% cơ sở GDNN trên địa bàn đã thực hiện điều này, hơn 90% cơ sở đạt tiêu chí xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện.
"Điều này cho thấy việc đổi mới nội dung giáo dục văn hoá ứng xử, đổi mới phương pháp, kỹ năng sống ứng xử có văn hoá của người học, người dạy là rất cần thiết", ông Tân đánh giá.
Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, văn hoá ứng xử không chỉ nằm ở lĩnh vực văn hoá, xã hội. Mà văn hoá ứng xử ở đây nếu hiểu phạm trù rộng hơn thì trong chính trị, trong kinh tế đều rất quan trọng. "Trước dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã làm rất tốt chính sách ngoại giao vắc xin - đây chính là văn hóa ứng xử", ông Dũng dẫn chứng và cho rằng văn hoá ứng xử hiện hữu ở bất kỳ lĩnh vực nào trong đời sống.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu cần đánh giá đúng việc triển khai Đề án xây dựng văn hóa ứng xử tại các cơ sở GDNNN. Đây là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững về chất lượng nguồn lao động.
Đi vào yêu cầu cụ thể, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị Tổng cục GDNN tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, rà soát quá trình thực hiện tại các địa phương, chỉ đạo rà soát bộ quy tắc ứng xử để xem có điểm nào cần bổ sung thực hiện. Việc triển khai cần giải pháp thiết thực theo định hướng đổi mới, tránh lối mòn.
Sở LĐ-TB&XH các tỉnh có kế hoạch, lộ trình triển khai Đề án văn hoá ứng xử, hỗ trợ học sinh, sinh viên sinh xây dựng văn hoá ứng xử.
Với các cơ sở GDNN, ông Dũng yêu cầu rà soát xem nội dung, phương thức triển khai thời gian qua còn vướng gì không và tập trung thực hiện thế nào. Học sinh đến trường và ra trường - đó là thương hiệu của các trường.
"Muốn tuyên truyền để tuyển sinh tốt thì nhà trường không chỉ dùng công cụ trên báo chí, tờ rơi, trang tin điện tử, mà còn thông qua truyền miệng của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ở trường. Điều này sẽ giúp hiệu quả tuyển sinh tăng lên rất nhiều", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ.
Bộ LĐ-TB&XH tặng bằng khen cho 15 mô hình văn hóa ứng xử tiêu biểu năm 2021 Tại Hội nghị, sáng 16/9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã quyết định tặng bằng khen cho 15 mô hình của 14 cơ sở GDNN trên cả nước đạt giải mô hình xây dựng văn hóa ứng xử tiêu biểu năm 2021. Trong giai đoạn 2021-2025, Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học đặt mục tiêu 100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Có ít nhất 95% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở GDNN được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học. 95% cơ sở GDNN trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường. Theo đó, các cơ sở GDNN cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở GDNN; Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng các mô hình văn hóa ứng xử trong trường học; Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong các cơ sở GDNN... |
Nguồn tin: gdnn.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trường Cao đẳng Quảng Nam chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/6/2021, được sáp nhập nguyên trạng từ các trường: Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam, Trường Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam, Trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam, Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc Miền núi Quảng Nam và Trường Trung...