• Tieng Viet
  • English

Thông tin liên hệ

Trường Cao đẳng Quảng Nam

Thành công, giàu có không quyết định bởi áo cử nhân

Chủ nhật - 19/09/2021 21:20
Mỗi năm có hàng triệu thí sinh tham gia thi tốt nghiệp trung học phổ thông và nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Nếu vào được đại học thì đó là một điều kiện thuận lợi cho con đường phía trước, nhưng nếu ngược lại hoặc không vào được ngôi trường dự kiến thì cũng chẳng phải vấn đề gì nghiêm trọng.
Mỗi người đều có sở trường riêng và nếu như lựa chọn đúng, quyết tâm phát huy được thế mạnh ấy thì bạn hoàn toàn có thể thành công mà không nhất thiết phải vào đại học.
gdvn 1 5522
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc: "Tôi không đồng tình với tư tưởng phải vào đại học thì mới thành tài, còn không vào đại học là hỏng hết".
Ảnh: Tùng Dương.

Không đỗ đại học vẫn còn rất nhiều cơ hội

Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - nguyên giáo viên Toán Trường THPT Thăng Long (Hà Nội), cho biết: “Những suy nghĩ ép con trẻ tiến thân bằng con đường đại học đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ thầy cô cũng như cha mẹ học sinh. Quan điểm muốn thăng quan tiến chức là phải có bằng cấp, đỗ đại học thì mới có danh tiếng, là mát mặt với hàng xóm… có từ thời phong kiến và không còn phù hợp với xã hội hiện đại nữa.

Rất nhiều thế hệ sinh viên ngày xưa đã thi đại học “hộ” cha mẹ chứ không phải học cho mình, học gì, học ở đâu, học trường nào và làm gì… đều là do cha mẹ sắp xếp hướng đến những gì họ thích và tin rằng như vậy là tốt.

Thật đáng trách, phần lớn cha mẹ và cả nhà trường đều không biết phát huy, khai thác thể mạnh của học sinh từ khi còn bé, mà cứ lao vào học thêm rất nhiều, môn nào cũng đòi hỏi các cháu phải đạt điểm cao.

Hiện nay xã hội phát triển nhưng có lẽ những suy nghĩ kiểu như vậy vẫn còn khá nhiều, mặc dù cũng đã có đổi mới về giáo dục. Chúng ta hiện nay vẫn lấy tiêu chí bằng cấp để tuyển lựa, để đánh giá con người, quản lý con người qua bằng cấp, vậy nên tâm lý cứ phải có bằng đại học thì mới xin được việc làm. Cũng chính vì thế mới nảy ra vấn đề mua bán bằng cấp, bằng giả, học giả… để hợp thức hóa bằng cấp, địa vị.

Cách dạy học giờ đây đã khiến cho học sinh có tâm lý chỉ cần đủ thi đỗ để lấy bằng cấp, chứ chưa quan tâm đến thực chất, chưa hướng người học tự suy nghĩ, tự tư duy xem bản thân hợp với ngành nghề gì. Theo tôi đào tạo như vậy là phản giáo dục.

Tôi không đồng tình với tư tưởng phải vào đại học thì mới thành tài, còn không vào đại học là hỏng hết. Nhưng ngược lại cũng không nên phiến diện một chiều phê phán những người ham thích vào đại học, bởi thời đại hiện nay nếu con người không có tư duy, không có trình độ cao thì cũng không làm được việc gì cả.

Ở đây tôi muốn nói bằng đại học khác với tư duy trình độ đại học. Nếu qua một trường đại học họ có thể đào tạo cho anh thành nghề nọ, nghề kia, nếu học tử tế thì anh sẽ có tầm suy nghĩ ở cấp đại học. Vậy nên tôi phê phán những người chỉ chăm chăm vào được đại học với mong muốn duy nhất là có bằng cấp, còn lại xao nhãng việc học. Nếu không thích hoặc trượt đại học thì vẫn còn nhiều con đường khác để tiến thân theo sở trường và năng lực của mình”.

gdvn 2 2111

Còn rất nhiều cơ hội khác dẫn tới thành công sau khi thi trượt vào đại học.
Ảnh minh họa: Tùng Dương

Sau khi trượt nguyện vọng 1, nhiều gia đình gượng ép các em học đại học tại những trường làng nhàng với những ngành học đang thừa nhân lực trong xã hội. Sau 4 đến 5 năm nữa với tấm bằng trung bình đó khi ra trường không kiếm nổi việc làm. Đây mới là một bi kịch thật sự cho cha mẹ và chính các em cũng như đối với xã hội.

Nói thì dễ nhưng cú sốc trượt đại học là quá lớn cho những sinh viên mới chập chững vào đời. Một cú sốc quá mạnh cho những ai “yếu đuối” nhưng nếu là những người mạnh mẽ sẽ đủ sức tự sắp xếp lại những thất bại tạm thời đó. Nhưng ngày mai bạn sẽ thành công nếu biết tự đứng lên. Quan trọng nhất là bạn tìm được thứ phù hợp, thứ mình thích và dành trọn tâm huyết cho công việc mình theo đuổi.

Theo thầy Ngọc: “Cha mẹ thông thường bắt con thi đại học bởi lý do đại học là con đường duy nhất, điều này có phần đúng với thế hệ 6 x và 7 x. Lý do thứ hai cha mẹ muốn con cái thi đỗ đại học là sĩ diện cá nhân, do ganh đua với xã hội, là đánh dấu thành công của cha mẹ. Vô hình chung bằng đại học không phải dành cho con mà lại dành cho bố mẹ qua “chiến thắng” tinh thần.

Với các suy nghĩ như vậy, con cái sẽ bị ảnh hưởng vì bị bắt ép làm những điều không thích, nó sẽ có hại lâu dài cho chính các em. Quan trọng nhất đối với các bạn trẻ đó là làm sao có một nghề để nuôi sống bản thân sau này trong xã hội. Cha mẹ cần chấp nhận những đứa con không “đủ sức” thi đại học.

Thành công trong cuộc sống không được quyết định bởi tấm bằng đại học hay bộ quần áo cử nhân. Bất cứ ai cũng có quyền học hỏi kể cả khi bạn không phải sinh viên một trường đại học danh tiếng. Không phải cứ trường đại học danh tiếng sẽ đem lại cho bạn một tương lai danh tiếng như trường. Đừng đánh giá thấp những trường top dưới, đặc biệt là các trường nghề đang phát triển lớn mạnh như hiện nay.

Người không đỗ đại học không phải là người dốt như xã hội hay nhận xét, người ta không đỗ đại học bởi rất nhiều lý do…và cũng có thể không phù hợp với những tiêu chí mà trường đề ra, những người bị loại chắc chắn không phải là không có trình độ.

Tổng thể một con người bao hàm cả tốt, xấu, thông minh, chậm chạp… về một khía cạnh nào đó có thể nói cũng như nhau. Tôi là người có năng khiếu này, anh là người có tố chất kia và mỗi người đề có điểm thông minh khác nhau, như vậy mới là xã hội.

Nếu cha mẹ không hiểu năng khiếu của con, rồi ép con học và thi vào ngành con không thích thì rất có thể dẫn tới sự chống đối âm thầm, thậm chí là cố ý thi trượt. Trong những năm dạy học, tôi biết có những trường hợp như vậy. Đó là điều hết sức đáng tiếc, làm mất cả thời gian của cả gia đình, lỡ cơ hội phát huy khả năng riêng của con".

gdvn tran phi 1 9563

Theo học nghề kỹ thuật cũng là một sự lựa chọn. Ảnh minh họa: T.D.

Cần được đào tạo theo năng lực

Thầy Ngọc cho biết: “Ở Đức, giáo dục từ cấp II họ đã chia thành từng nhánh dựa trên thiên hướng phát triển và tố chất của học sinh, nhánh thứ nhất được đào tạo đại trà phổ thông.

Nhánh thứ hai là nâng cao cho đến cấp III, tiếp tục tách ra làm 2 với những học sinh có tố chất nghiên cứu khoa học, nhánh này sẽ đào tạo các nhà khoa học. Một nhánh nữa là đào tạo đại học chuyên theo sở thích, sẽ trở thành những kỹ sư, bác sỹ…

Giáo dục hiện đại theo tôi phải như vậy, được phân hóa ngay từ sớm để phát hiện và bồi dưỡng tài năng thực chất, không phải chỉ đào tạo cùng “một lò ấp”, lấy một cái bằng rồi sau này lại sống và phát triển bản thân bằng một nghề hoàn toàn khác. Đào tạo như chúng ta hiện nay là lãng phí.

Nhiều năm trước tôi có làm một theo dõi, ghi chép cẩn thận vào một quyển sổ tay về việc những người vào đại học, kể cả những em thi đại học có điểm xuất sắc được cử đi học nước ngoài…nhưng theo ghi chép của tôi thì có đến ¾ số sinh viên đó không trở về nước sau khi học xong, họ ở lại nước ngoài và sinh sống không phải với những ngành họ được đào tạo?

Với hơn 40 năm giảng dạy, học trò của tôi thi đỗ đại học rất nhiều nhưng có đến 80% các em đó ra đời không sống bằng đúng ngành đã học, đỗ đại học trường này nhưng sau lại làm nghề khác. Như vậy có thể nói hệ thống giáo dục chưa chuẩn, học sinh bị “thui chột” rất nhiều tài năng, chưa phân cấp để phát huy hết năng khiếu của người học, dẫn đến lãng phí công sức, tiền của để đào tạo.

Tôi thấy có chuyện từ nhiều năm chưa thay đổi, đó là việc đào tạo đại học không hề căn cứ vào nhu cầu thị trường lao động. Các trường tuyển sinh ào ào và không quan tâm đến đầu ra.

Thế nên trong khi nguồn nhân lực chất lượng, có tay nghề cao, thợ giỏi đang rất thiếu thì chúng ta đang thừa trên 200.000 cử nhân mỗi năm. Và đi kèm theo đó là những câu chuyện khôi hài như cử nhân chạy xe ôm công nghệ đầy đường, hoặc tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm thì lại học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ.

Vậy nên tôi có lời khuyên cho các bạn trẻ: Đại học không phải là con đường duy nhất trước ngưỡng cửa vào đời. Nếu bạn thấy mình không đủ sức nữa, hãy dừng lại và nhìn về những ngã rẽ khác. Cao đẳng, trung cấp hay các trường dạy nghề vẫn là sự lựa chọn không tồi nếu bạn thật sự cố gắng và có lộ trình phù hợp, đúng đắn.

Nhà tuyển dụng không quan tâm bạn là ai, sinh viên trường nào, thành tích ở trường ra sao, cái duy nhất mà người ta quan tâm chính là kết quả bạn đạt được trong công việc và đại học chưa chắc đã dạy ta tốt hơn những gì ta tự bươn chải trong cuộc sống với tấm bằng thấp hơn thế".

Tùng Dương

 

 

Nguồn tin: gdnn.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
Giới thiệu

Giới thiệu trường Cao đẳng Quảng Nam

Trường Cao đẳng Quảng Nam chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/6/2021, được sáp nhập nguyên trạng từ các trường: Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam, Trường Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam, Trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam, Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc Miền núi Quảng Nam và Trường Trung...

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy giao diện mới của Website trường Cao đẳng Quảng Nam như thế nào

Thống kê
  • Đang truy cập61
  • Hôm nay21,454
  • Tháng hiện tại93,522
  • Tổng lượt truy cập4,148,708
TOP
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây