Thông tin liên hệ
- 0867430431
- hosotuyensinhcdqn@gmail.com
- Fanpage: https://facebook.com/caodangqn/
Hoạt động kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, thể hiện qua việc tăng cường hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực qua đào tạo cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù đã phá bỏ được nhiều rào cản, công tác này vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa để nâng chất lượng nhân lực.
80% SINH VIÊN TRƯỜNG NGHỀ CÓ VIỆC LÀM SAU KHI TỐT NGHIỆP
Chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động là vấn đề được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhiều lần đề cập. Thực tế, trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động, yếu tố này cũng tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất.
Giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, song đến nay tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn còn thấp. Nguồn lực hỗ trợ đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm còn hạn chế.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), đánh giá hiện mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phủ rộng khắp trên toàn quốc, đa dạng các loại hình, mô hình đào tạo và được phân bố tương đối hợp lý trong các ngành kinh tế và địa phương.
“Hiện chúng tôi có 55 trường được các tổ chức quốc tế công nhận và cho phép đào tạo hệ song bằng, đã có nhiều trường phối hợp với các trường ở nước ngoài để đào tạo các chương trình liên kết, cấp chứng chỉ bằng cấp của các tổ chức quốc tế”, ông Bình thông tin.
Kết quả tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp mỗi năm đạt từ 2,1 - 2,4 triệu học sinh ở tất cả các hệ, trong giai đoạn từ năm 2011 – 2020, tuyển sinh đạt gần 20 triệu người, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh mới.
Với định hướng phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực, ông Bình cho biết, đến nay việc gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn, đảm bảo chất lượng thực tế. Khoảng 80% số học sinh ra trường có việc làm đúng nghề, thậm chí có những ngành nghề ngay trong khi đào tạo đã được doanh nghiệp tuyển dụng có trả lương.
TĂNG CƯỜNG ĐÀO TẠO THEO HƯỚNG ỨNG DỤNG, THỰC HÀNH TẠI DOANH NGHIỆP
Chất lượng nhân lực được cải thiện, song theo ông Bình, hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết, trong đó phải kể đến 3 tồn tại chính đó là năng lực tự chủ của các trường; sự phối hợp với các doanh nghiệp chưa chặt chẽ; các điều kiện đảm bảo sự thích ứng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với sự thay đổi của công nghệ, tác động dịch bệnh và các yếu tố có liên quan khác.
Chính vì thế, trong giai đoạn, bối cảnh mới, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hay mới đây Chính phủ đã ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đều nhấn mạnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, giúp cho việc tăng năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động.
Theo ông Bình, để đạt được các mục tiêu đặt ra về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp tiếp tục là một giải pháp then chốt, thậm chí trong một số lĩnh vực, ngành nghề, phải đóng vai trò dẫn dắt.
“Một trong số đó là cần thành lập các hội đồng kỹ năng nghề, không chỉ hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia, mà cần có những chính sách đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người học. Các chính sách này cần hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp như cung cấp dịch vụ để doanh nghiệp dự báo nhu cầu nhân lực, công cụ để có thể sử dụng trong việc đào tạo, đào tạo lại ở lĩnh vực doanh nghiệp cần”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng thừa nhận, việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp hiện “chưa hoàn hảo”, song từng bước đã phá vỡ được rào cản trong vấn đề này bằng cách đưa giáo viên, học sinh đến doanh nghiệp để học tập, trải nghiệm, thậm chí thi để tích lũy các kiến thức kỹ năng tại chính doanh nghiệp. Việc này sẽ cần đẩy mạnh hơn nữa, kết hợp với việc đưa các tiêu chuẩn, tiêu chí của doanh nghiệp vào trong chương trình đào tạo, để phù hợp giữa cung và cầu.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng xác định, tăng cường đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động là một trong những giải pháp trọng tâm trong năm 2023 để phát triển giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, sẽ triển khai đào tạo thí điểm chương trình đào tạo cho các ngành, nghề đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động; hợp tác với doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cũng sẽ được đẩy mạnh hơn nữa…
Nguồn tin: vneconomy.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn