• Tieng Viet
  • English

Thông tin liên hệ

Trường Cao đẳng Quảng Nam

Đào tạo nhân lực không như kim cương, chạy máy là ra số carat

Thứ hai - 04/07/2022 11:00
PGS.TS. Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Cao đẳng Quảng Nam trăn trở với công tác đào tạo học sinh, sinh viên, làm thế nào để các em ra trường có việc làm ngay.
Đào tạo nhân lực không như kim cương, chạy máy là ra số carat
Sinh viên Cao đẳng Quảng Nam tích cực tìm hiểu các thông tin về thị trường, cũng như đầu ra việc làm sau khi ra trường.
Sinh viên Cao đẳng Quảng Nam tích cực tìm hiểu các thông tin về thị trường, cũng như đầu ra việc làm sau khi ra trường.

Giữa cái nắng gần 40 độ C của đất Tam Kỳ, Trần Nguyễn Duy Phương vẫn tranh thủ lên phòng thí nghiệm của trường Cao đẳng Quảng Nam để nhờ cô giáo giảng thêm về một số khái niệm mới, vừa được giới thiệu trong chương trình “Hạt giống tài năng” của nhà trường hợp tác với một doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn.

Nhà tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, cách trường khoảng 120 km, mỗi năm Phương chỉ cho phép bản thân "nghỉ" hai đợt: một là dịp Tết, hai là nghỉ hè. Còn lại, em dành thời gian miệt mài trên ghế nhà trường, lúc thì lên thư viện, khi lại vùi mình trong mớ chai lọ lỉnh kỉnh trong phòng thí nghiệm.

"Nhiều lúc cũng nhớ nhà lắm, nhưng quãng đời sinh viên có 3 năm. Ngắn lắm nên em phải tranh thủ mọi lúc mọi nơi để học tập", Phương chia sẻ.

Phương chỉ là một trong số hàng trăm sinh viên được Cao đẳng Quảng Nam ươm mầm, nuôi dưỡng tình yêu với ngành nông nghiệp mỗi khóa. Nhờ được đối tác hỗ trợ kinh phí, học bổng trong suốt thời gian học tập, nhà trường đã đẩy mạnh công tác đào tạo, giúp sinh viên có nhiều cơ hội thực hành, thực tập nghề nghiệp có lương tại chính công ty, đồng thời cam kết tuyển dụng việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Với riêng Trần Nguyễn Duy Phương, tình yêu nông nghiệp của em đến từ vài năm trước, khi Quảng Nam điêu đứng vì Dịch tả lợn châu Phi. Vốn yêu động vật, chàng sinh viên quê Phước Sơn đau đáu về nhiệm vụ, phải làm gì có ích cho gia đình, hàng xóm.

"Chúng em được các thầy cô tạo điều kiện hết sức để trải nghiệm công việc ngành nông lâm. Bên cạnh niềm yêu thích được chăm sóc động vật, chúng em còn được thầy cô rèn cả về đức tính chịu thương, chịu khó, vốn là bản tính của người Quảng Nam", Phương kể.

Trần Nguyễn Duy Phương (thứ hai từ trái) trong một giờ học tại phòng thí nghiệm.
Trần Nguyễn Duy Phương (thứ hai từ trái) trong một giờ học tại phòng thí nghiệm.

Bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Quảng Nam bộc bạch, nhà trường nằm trong số ít những cơ sở đào tạo tại miền Trung có một Khoa Nông lâm sâu, rộng, với cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng được nhu cầu của học sinh, sinh viên. 

Song song với việc khơi gợi, nuôi dưỡng tình yêu với nghề cho các em, Cao đẳng Quảng Nam còn tổ chức định hướng nghề nghiệp sớm, ngay từ lúc học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế giảng dường. Với riêng lĩnh vực chăn nuôi, thú y, các em có thể chọn học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ, hoặc tham gia những chương trình đào tạo trao đổi sinh viên với Nhật Bản để làm nghiên cứu sinh, hoặc trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao tại các công ty mà trường liên kết.

"Sản phẩm đầu ra của đào tạo không giống như kim cương, chỉ cần chạy máy là ra số carat. Đó là một quá trình, cần sự đánh giá của nhiều bên như xã hội, doanh nghiệp, và chính các em học viên", bà Phương Anh nói.

Nằm trong vùng giao thoa giữa hai miền Nam, Bắc, Quảng Nam có nguồn sản vật phong phú. Tuy nhiên, theo bà Phương Anh, nông lâm sản Quảng Nam chưa vươn tầm ra thế giới bởi nhiều nguyên nhân, như thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị, sản xuất chưa theo quy trình chuẩn. Trong khi trên thế giới hiện nay, yêu cầu sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp thiết, thậm chí trở thành tiêu chí "không thể không có" khi đưa nông sản ra thế giới.

Hiện Cao đẳng Quảng Nam liên kết với nhiều địa phương, trong đó có 4 huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi, để liên kết, chuyển giao nguồn nhân lực chăn nuôi, thú y. Ngoài ra, nhà trường còn nhận những "đơn đặt hàng" từ UBND tỉnh, huyện, các viện, trường, hoặc cơ quan quản lý nông nghiệp, để từ đó xây dựng khung đào tạo sao cho sinh viên nắm bắt nhanh, tiếp cận đúng và trúng với các vấn đề tại địa phương.

Lễ bàn giao lao động cho doanh nghiệp được Cao đẳng Quảng Nam tổ chức hồi tháng 4 vừa qua.
Lễ bàn giao lao động cho doanh nghiệp được Cao đẳng Quảng Nam tổ chức hồi tháng 4 vừa qua.

Chia sẻ thêm về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến các quy trình sản xuất, canh tác, chế biến, các Bộ, ban, ngành cần chú trọng phát triển nhân lực. Bởi nếu không, sẽ khó đáp ứng được yêu cầu sản xuất bền vững.

"Đã tới lúc, chúng ta cần tổ chức đào tạo gắn với sản xuất nông nghiệp trong thực tế, từ đó lan tỏa giá trị cho các thế hệ tương lai. Chính những học sinh, sinh viên hôm nay sẽ là những người làm nông nghiệp tương lai. Nông sản Việt có nâng cao được giá trị và thương hiệu trong tương lai hay không, một phần lớn chính là nhờ hoạt động đào tạo hôm nay", ông Nam nêu vấn đề.

Trên quan điểm ấy, 3 trong số 7 hội nghị phổ biến các quy định và cam kết SPS của các thị trường xuất khẩu được Văn phòng SPS Việt Nam chọn tổ chức tại các trường. Cụ thể: Hội nghị tại Đại học An Giang ngày 10/6, Đại học Thái Nguyên ngày 24/6, và mới nhất là tại Cao đẳng Quảng Nam vào 30/6. 

TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Trưởng Đoàn công tác Việt Nam tại phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO.
TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Trưởng Đoàn công tác Việt Nam tại phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO.

Xuyên suốt chuỗi hội nghị, Văn phòng SPS Việt Nam đều nhấn mạnh thông điệp, người dân cần nâng cao nhận thức trong suốt quá trình canh tác, chuyển dịch từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Bảo Thắng
Nguồn từ Nông nghiệp Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TOP
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây